Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển tiếp tục tăng trong năm 2023

Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển tiếp tục tăng trong năm 2023

Đó là thông tin từ Bản tin Khí nhà kính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), số 20, phát hành ngày 28/10/2024 (WMO Greenhouse Gas Bulletin No. 20). Dữ liệu được thu thập từ mạng lưới các trạm Theo dõi Khí quyển Toàn cầu (GAW) của WMO. Bản tin Khí nhà kính là ấn phẩm của WMO được phát hành hàng năm kể từ 2006 để cung cấp thông tin cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP). Bản tin số 20 của WMO là một bổ sung cho Báo cáo Khoảng cách phát thải 2024 của UNEP, được công bố trước thềm COP29 tại Baku, Azerbaijan.

Khí CO2

Nồng độ CO2 trung bình toàn cầu năm 2023 là 420,0 ± 0,1 ppm; tăng 2,3 ppm so với năm 2022. Mức tăng trung bình 2022-2023 này cao hơn một ít so với mức tăng  2021- 2022 (2,2 ppm) và chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng trung bình năm trong thập kỷ qua (2,4 ppm/năm). So với nồng độ 377,1 ppm năm 2004, CO2 trung bình khí quyển đã tăng 42,9 ppm hay 11,4% sau 20 năm. Nồng độ CO2 trong khí quyển hiện tại đã tăng 151% so với thời kỳ tiền công nghiệp (trước năm 1750).

Sự gia tăng nồng độ CO2 khí quyển quan sát được nói trên là kết quả của phát thải từ nhiên liệu hóa thạch vẫn cao, khí thải từ cháy rừng tăng và khả năng hấp thụ của đất liền và đại dương giảm vào năm 2023. Trùng hợp với mức tăng CO2 lớn trong năm 2023 là mức tăng lớn nhất của CO trong khí quyển trong hai thập kỷ qua, cho thấy khí CO2 tăng lên từ các đám cháy rùng. Năm 2023, Canada và Úc đã xảy ra cháy rừng lịch sử. Phát thải carbon từ cháy rừng toàn cầu 2023-2024 là 2,4 Pg C, cao hơn 16% so với mức trung bình kể từ năm 2003. Các nghiên cứu ước tính rằng trao đổi carbon hệ sinh thái ròng, một phần quan trọng khác của dòng CO2 trên đất liền đã thấp hơn khoảng 28% vào năm 2023 so với năm 2021–2022. Năm 2023 là một năm ấm bất thường (tháng 5/2023 Trái Đất chuyển từ hiện tượng La Niña sang hiện tượng El Niño, tức là từ pha lạnh sang pha ấm của ENSO), nhiệt độ cực đoan là yếu tố gây căng thẳng cho nhiều hệ sinh thái trên cạn và có thể khiến thực vật hấp thụ carbon ít hơn. Nước biển ấm lên cũng hấp thụ ít CO2 hơn.

Khí CH4

Nồng độ CH4 trung bình toàn cầu đã đạt mức cao mới là 1934±2 ppb vào năm 2023, tăng 11 ppb so với năm 2022. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 2021-2022 (16 ppb) và cao hơn một chút so với mức tăng trung bình năm trong thập kỷ qua (10,7 ppb/năm). Nồng độ CH4 năm 2023 đã đạt 265% của mức trước thời kỳ công nghiệp.

Các nghiên cứu sử dụng số liệu CH4 của GAW chỉ ra rằng phát thải CH4 tăng lên từ các vùng đất ngập nước ở vùng nhiệt đới và từ các nguồn nhân tạo ở vĩ độ trung bình của bán cầu bắc có khả năng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng nồng độ CH4 gần đây. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của CH4 trong khí quyển nhưng lại giảm δ13C CH4 (tỷ lệ đồng vị 13C và 12C) từ năm 2020 đến năm 2022 cho thấy sự gia tăng phát thải CH4 từ vi sinh vật chiếm ưu thế.

Khí N2O

Nồng độ N2O trung bình toàn cầu năm 2023 đạt 336,9±0,1 ppb, tăng 1,1 ppb so với năm 2022 và tăng 125% so với mức trước thời kỳ công nghiệp (270,1 ppb). Mức tăng 2022-2023 thấp hơn mức tăng 2021-2022 và cao hơn một chút so với mức tăng trung bình năm trong 10 năm qua (1,07 ppb/năm). Phát thải N2O nhân tạo toàn cầu, chủ yếu là do bổ sung nitơ vào đất trồng trọt, đã tăng 30% trong bốn thập kỷ qua lên 7,3 Tg nitơ mỗi năm.

 

 

Chi tiết xin xem ở Bản tin Khí nhà kính của WMO số 20 có thể tải về theo đường link dưới đây.

 

Nguồn: https://library.wmo.int/idurl/4/69057

Loading