Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp

Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn nên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi … Continued

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn nên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường tại Tập đoàn Việt – Úc (khóm Nhà Mát, Phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu)_Ảnh: TTXVN

Thực trạng môi trường ở nước ta hiện nay

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó kinh tế tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và ổn định; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả,… Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã bộc lộ những bất cập và tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp; đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng;…, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Ô nhiễm nguồn nước mặt ở lưu vực các sông, đặc biệt là sông Nhuệ – Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia – Thu Bồn, Đồng Nai – Sài Gòn… diễn ra nghiêm trọng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Lượng nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết không qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý bất an và lo lắng cho nhân dân. Tình trạng ô nhiễm không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng do gia tăng các chất ô nhiễm từ hoạt động kinh tế; chất lượng không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư, nhất là tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh suy giảm.

Ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề ở mức đáng lo ngại. Chất thải rắn đang là vấn đề nóng, mang tính cấp bách cần được ưu tiên đầu tư giải quyết. Hiện nay, với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm, trong khi đó, hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn. Phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân.

Ô nhiễm trên Biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, trong đó có vấn đề rác thải nhựa, nạo vét, nhận chìm vật liệu nạo vét. Các sự cố môi trường biển có xu hướng gia tăng, như ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển; sự cố tràn dầu trên Biển Đông đã ảnh hưởng lớn đến các vùng ven biển ở nước ta. Các chất có nguồn gốc từ đất liền thải ra đã và đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ.

Các hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục bị chia cắt, thu hẹp về diện tích và xuống cấp về chất lượng; dẫn đến mất cân bằng sinh thái, giảm chức năng phòng hộ, mất nguồn cung cấp nước ngầm, mất nơi sinh cư và sinh sản của các loài sinh vật. Số loài và số cá thể các loài hoang dã bị giảm mạnh. Nhiều loài bị săn bắt, khai thác, buôn bán trái phép dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng cao; nguy cơ mất an ninh sinh thái do sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ các sinh vật biến đổi gen.

Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đáng chú ý như:

– Quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hoá và đô thị hóa ngày càng cao, công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng, kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường.

– Môi trường sinh thái nước ta chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn đề môi trường phi truyền thống gia tăng cùng với hội nhập thương mại quốc tế và thách thức từ vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

– Vẫn còn tồn tại quan điểm ưu tiên và coi trọng tăng trưởng triển kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá và xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường; văn hóa, ý thức trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc thực thi các chính sách và công cụ bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập và mang lại hiệu quả thấp.

– Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn bất cập; các công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; cách tiếp cận và cộng cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời và không theo kịp với những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

– Năng lực quản lý nhà nước về môi trường và quản trị môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mô hình tổ chức cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương còn bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay.

– Nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho công tác này.

– Các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cao vẫn được cấp phép đầu tư vào Việt Nam. Năng lực dự báo, cảnh báo phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

– Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc gia còn hạn chế, chưa thật hiệu quả.

Một số giải pháp

Thực trạng và xu hướng diễn biến môi trường sinh thái của Việt Nam trong những năm qua cho thấy, môi trường Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong những năm tiếp theo, do đó cần có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Một là, thay đổi tư duy bảo vệ môi trường: Phải đổi mới tư duy và hành động; các mô hình phát triển kinh tế – xã hội cần dựa trên quan điểm tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển dựa trên hệ sinh thái phải trở thành triết lý cho mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết tận gốc các vấn đề suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường hiện nay.

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ba là, tăng cường nguồn nhân lực và năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp: Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh và tăng cường năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp.

Bốn là, tăng cường đầu tư và đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường: Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Có cơ chế đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác này (ngân sách nhà nước; các dự án và chương trình tài trợ trong và ngoài nước; Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương huy động vốn từ cộng đồng, hợp tác công tư,…). Ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Năm là, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo hướng hiệu lực, hiệu quả: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Tăng cường cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Triển khai đồng bộ hệ thống quan trắc chất thải tại nguồn tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý. Tăng cường quan trắc và giám sát môi trường xuyên biên giới, nhất là đối với các lưu vực sông xuyên biên giới, môi trường biển, các tác động do mở cửa thương mại kinh tế, tình trạng dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu từ các nước trong khu vực và trên thế giới vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các sinh vật ngoại lai và sinh vật biến đổi gen từ nước ngoài về Việt Nam….

Sáu là, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ trong bảo vệ môi trường. Ưu tiên và đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ tiên tiến ứng dụng vào quản lý và bảo vệ môi trường hiệu quả, như công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ ít chất thải, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải, công nghệ carbon thấp, công nghệ vật liệu mới thay thế và ứng dụng trong xử lý môi trường,…

Bảy là, đẩy mạnh công tác truyên truyền và giáo dục môi trường. Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo và giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục phổ thông các cấp phù hợp với điều kiện và chương trình giáo dục của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thực về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải, carbon thấp theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền và khu vực. Đẩy mạnh công tác xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về bảo vệ môi trường, đồng thời phát hiện, nêu gương, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt, cách làm hay để tạo chuyển biến tích cực trong toàn xã hội…/.

Theo Nguyên Mạnh

www.tapchicongsan.org.vn

Loading