Khoa Môi trường tham gia hội thảo về xây dựng kế hoạch hành động quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho xã A Roàng, huyện A Lưới

Khoa Môi trường tham gia hội thảo về xây dựng kế hoạch hành động quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho xã A Roàng, huyện A Lưới

Sáng ngày 18/8/2023, hợp phần “Thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn trong cộng đồng ở xã A Roàng (huyện A Lưới), tỉnh Thừa Thiên Huế” thuộc dự án CarBi II (WWW-Việt Nam) đã tổ chức hội thảo các bên liên quan về xây dựng kế hoạch hành động quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho xã A Roàng. Đại diện Khoa Môi trường đã tham gia hội thảo với tư cách nhóm tư vấn về kỹ thuật của hợp phần.

Sáng ngày 18/8/2023, hợp phần “Thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn trong cộng đồng ở xã A Roàng (huyện A Lưới), tỉnh Thừa Thiên Huế” thuộc dự án CarBi II (WWW-Việt Nam) đã tổ chức hội thảo các bên liên quan về xây dựng kế hoạch hành động quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho xã A Roàng. Đại diện Khoa Môi trường đã tham gia hội thảo với tư cách nhóm tư vấn về kỹ thuật của hợp phần.

Tham gia hội thảo có các đại diện của WWW-Việt Nam, đại diện Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện A Lưới, ông A Viết Cối – Phó Chủ tịch UBND xã A Roàng, đại diện các đơn vị liên quan trên địa bàn như Trạm Kiểm lâm, BQL Khu bảo tồn Sao La… Đặc biệt, thành phần tham dư đông đảo và quan trọng tại hội thảo là đại diện của cộng đồng địa phương gồm các đoàn thể trong xã, các Trưởng thôn, các trường học, trạm y tế, các cơ sở kinh doanh phát sinh nhiều chất thải rắn trên địa bàn…

Thay mặt cho nhóm tư vấn kỹ thuật, TS. Nguyễn Bắc Giang, Trưởng nhóm, đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tư vấn từ tháng 6/2023 đến 8/2023. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đã khẩn trương, tích cực triển khai hàng loạt các hoạt động như khảo sát phát sinh và thành phần chất thải rắn sinh hoạt ở 7 thôn trong xã; điều tra phỏng vấn cán bộ xã, người dân, chủ các cơ sở kinh doanh, những người thu mua phế liệu; khảo sát phát hiện các điểm tập kết rác tự phát; đánh giá thực trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã… Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi ngày trên địa bàn xã phát sinh khoảng 500 kg rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình, trong đó 65% là rác hữu cơ, 15% rác có thể tái chế. Tuy nhiên, do xã A Roàng hiện chưa có hệ thống thu gom, người dân chưa thực hiện tốt phân loại để ủ hay tái chế, nên đã xuất hiện ít nhất 13 điểm tập kết rác tự phát như là các điểm nóng về môi trường (có những điểm nằm sát nguồn nước). Báo cáo đã xây dựng lưu đồ dòng của chất thải rắn phát sinh trên địa bản xã. Báo cáo cũng đã đề xuất một số giải pháp nhắm cải thiện tình hình, bao gồm việc tập huấn và hỗ trợ cho người dân phân loại rác tại nguồn, để từ đó phần hữu cơ sẽ ủ làm phân hữu cơ; các loại rác tái chế (chai nhựa, túi nhựa, vỏ lon nhôm, giấy các loại…) thì giữ lại để bán cho những người thu mua; rác còn lại sẽ bố trí các thùng chứa (ở các thôn) và xuồng chứa (nhận rác từ các thôn) và định kỳ hợp đồng đơn vị dịch vụ vận chuyển đến nơi xử lý của huyện.

TS. Nguyễn Bắc Giang trình bày báo cáo của nhóm tư vấn kỹ thuật

Bên cạnh báo cáo kỹ thuật, một clip về quá trình thực hiện nhiệm vụ tư vấn do nhóm tư vấn kỹ thuật Khoa Môi trường xây dựng và trình chiếu tại hội thảo đã được đánh giá cao về tính truyền thông cho dự án.

Trên cơ sở báo cáo của 2 nhóm tư vấn kỹ thuật và xã hội, các định hướng cho kế hoạch hành động quản lý chất thải rắn của xã A Roàng đã được phác thảo với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến từ các trưởng thôn, cán bộ Hội phụ nữ, lãnh đạo xã và đại diện Phòng Tài nguyên-Môi trường góp ý cho 2 báo cáo tư vấn và dự thảo kế hoạch hành động, cũng như đề đạt nguyện vọng, nêu ra các thuận lợi và rào cản đối với việc quản lý chất thải rắn ở góc độ người dân và địa phương. Kế hoạch hành động sẽ được hợp phần dự án hoàn thiện trên cơ sở hội thảo, để có thể chuyển cho Hội đồng Nhân dân xã thông qua.

Dự án sẽ tiếp tục đồng hành với chính quyền và nhân dân xã đến hết năm 2024, trên tinh thần dự án hỗ trợ về tập huấn, về trang thiết bị cơ bản và kỹ thuật để hình thành được một mô hình thí điểm phân loại, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt cho xã. Việc duy trì và mở rộng mô hình sau đó là trách nhiệm của địa phương và cộng đồng, vì nói như đại diện của Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện, nếu chính địa phương và bà con không tham gia hành động thì sẽ phải sống chung với rác!

PKL.

Loading