10 sự kiện tiêu biểu năm 2024 của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

10 sự kiện tiêu biểu năm 2024 của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Nhìn lại 10 sự kiện tiêu biểu năm 2024 của Khoa Môi trường – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế: Những dấu mốc ý nghĩa trên hành trình đổi mới, phát triển và lan tỏa giá trị bền vững

Từ đầu năm 2024, Văn phòng Khoa Môi trường, phòng làm việc của giảng viên và phòng họp khoa đã chính thức chuyển về tầng 3, nhà D. Nơi làm việc mới được xây dựng khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Tại nhà B, bên cạnh Phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường và khu thực hành ngoài trời vẫn được duy trì, Khoa cũng đã có thêm Phòng thí nghiệm HSE và Tin học Môi trường, phục vụ cho nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học.

Ngày 26/12/2024, Chi bộ Khoa đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2022-2024, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ là đã hoàn thành các chỉ tiêu của nghị quyết về lãnh đạo xây dựng, phát triển khoa và phát triển đảng viên mới; đại hội đã thông qua nghị quyết phát triển của Khoa trong giai đoạn 2025-2027. Tin tưởng với sự lãnh đạo của Chi bộ, Khoa Môi trường sẽ có các chuyển biến tích cực trong các mảng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động đoàn thể và hướng đến chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Môi trường (2000-2025).

Trong tháng 10 và 12 năm 2024, đã có 4 ứng viên nghiên cứu sinh được xét tuyển vào chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học Môi trường. Đây là cột mốc quan trọng trong đào tạo của Khoa, đánh dấu sự trưởng thành về năng lực đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực môi trường.

Năm học 2024-2025 Khoa đã tuyển sinh và đào tạo được 02 ngành Khoa học Môi trường và Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường (HSE) ở cả 2 trình độ đào tạo. Kết quả tuyển sinh đã khả quan hơn so với năm học 2023-2024.

Tháng 12/2024, đề tài KH&CN cấp tỉnh (tỉnh Quảng Trị) “Nghiên cứu phát triển công nghệ Biofloc dựa trên nguồn vi sinh bản địa nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Quảng Trị” do giảng viên của Khoa Môi trường chủ trì đã tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở và cấp tỉnh đạt kết quả xuất sắc. Đề tài có giá trị thực tiễn cao, góp phần tăng hiệu quả và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Quảng Trị.

Giảng viên Khoa Môi trường cùng nhóm tác giả đã được Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố Đô lần thứ I, năm 2024 cho cụm công trình “Nghiên cứu khả năng khử trùng nước bằng tia cực tím, ozon và kỹ thuật tạo màng chất lỏng”. Giải thưởng không chỉ ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn tôn vinh vai trò của nữ giới, những người đã vượt qua nhiều rào cản, thách thức để dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học.

Nhóm nghiên cứu mạnh Đại học Huế của Khoa về Tài nguyên, môi trường và sinh thái vùng ven biển đã được đánh giá cuối kỳ thành công, ghi nhận những kết quả xuất sắc trong giai đoạn phát triển 2020-2024. Nhóm sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để phát triển nghiên cứu giai đoạn mới 2025-2028, tập trung vào các giải pháp bền vững cho vùng ven biển miền Trung.

Trong năm 2024, Khoa Môi trường đã đón tiếp nhiều đoàn công tác quốc tế đến làm việc như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đại học Tokyo, Đại học Ferris, Đại học Okayama và Đại học Yamaguchi (Nhật Bản), Tổ chức JICA ở Việt Nam, Hiệp hội hoạt động Môi trường Kyoto,… Đồng thời, Khoa cũng đã ký kết mới một số Biên bản ghi nhớ (MoU), tạo nền tảng cho các hoạt động trao đổi học thuật, nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường.

Khoa Môi trường tiếp tục chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ tư vấn về giảm rác thải nhựa trường học, rác thải sinh hoạt nông thôn miền núi…và phối hợp với WWF-Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế khác tổ chức nhiều khóa tập huấn về giáo dục môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương, tác động của thuốc bảo vệ thực vật… Các chương trình này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ cơ quan, tổ chức cải thiện năng lực quản lý môi trường.

Ngày 5/11/2024, Dự án “Giấy Rơm – Dấu ấn tự nhiên cho tương lai” của nhóm sinh viên Khoa Môi trường đã vượt qua 64 bài dự thi trên cả nước giành giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức. Ngày 29/12/2024, nhóm sinh viên của Khoa đã lọt vào vòng chung kết và đạt Giải Khuyến khích cuộc thi “Tuổi trẻ miền Trung sáng tạo xanh 2024” do Trường đại học Phú Xuân, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Equest tổ chức.

Loading