Tháng Ba và những ngày đặc biệt về môi trường

Tháng Ba và những ngày đặc biệt về môi trường

Hàng năm, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tổ chức các sự kiện, các chiến dịch truyền thông môi trường thông qua những ngày kỷ niệm, những ngày đặc biệt. Tháng 3 là tháng có nhiều ngày đặc biệt về môi trường nhất trong năm. Khoa Môi trường xin giới thiệu các ngày này dưới đây.

01/3: Ngày Cỏ biển thế giới (World Seagrass Day)

Tháng 5/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/3 là Ngày cỏ biển thế giới. Nghị quyết nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải nâng cao nhận thức ở mọi cấp độ và thúc đẩy cũng như tạo điều kiện cho các hành động bảo tồn cỏ biển nhằm góp phần vào sức khỏe và sự phát triển của chúng, đồng thời lưu ý rằng việc tăng cường các dịch vụ và chức năng của hệ sinh thái là rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Các thảm cỏ biển tồn tại ở 159 quốc gia trên khắp 6 châu lục, bao phủ hơn 300.000 km2, khiến chúng trở thành một trong những môi trường sống ven biển phổ biến nhất trên Trái đất.

Gần 30% diện tích cỏ biển toàn cầu đã bị mất kể từ cuối thế kỷ 19 và ít nhất 22 trong số 72 loài cỏ biển trên thế giới đang suy giảm.

Cỏ biển, là một phần của hệ sinh thái biển, lưu trữ tới 18% carbon đại dương của thế giới.

Việc bảo tồn và phục hồi đồng cỏ biển cũng có thể giúp các quốc gia đạt được 26 mục tiêu và chỉ số liên quan đến mười Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Xem thêm chi tiết về Ngày Cỏ biển thế giới tại đây và thông tin Ngày Cỏ biển thế giới 2025 tại đây.

03/3: Ngày Động vật hoang dã thế giới (World Wildlife Day)

Ngày 20/12/2013, Đại hội đồng LHQ đã quyết định công bố ngày 03 tháng 3 là Ngày Động vật hoang dã thế giới để tôn vinh và nâng cao nhận thức về hệ động thực vật hoang dã trên thế giới. Ngày này là ngày thông qua Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1973, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng hoạt động buôn bán quốc tế không đe dọa đến sự tồn tại của các loài.

Trước đó, ngày 3 tháng 3 đã được chỉ định là Ngày Động vật hoang dã thế giới trong một nghị quyết được đưa ra tại cuộc họp lần thứ 16 của Hội nghị các bên tham gia Công ước CITES (CoP16) được tổ chức tại Bangkok tháng 3/2013.

Chủ đề của ngày Động vật hoang dã thế giới năm 2025 là “Tài chính cho bảo tồn động vật hoang dã: Đầu tư vào con người và hành tinh”, khám phá cách chúng ta có thể hợp tác để làm cho dòng tài chính hiện tại của chúng ta trở nên hiệu quả và bền vững hơn để xây dựng một tương lai đủ sức chống chịu cho cả con người và hành tinh.

50.000 loài hoang dã đáp ứng nhu cầu của hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Hơn một nửa GDP của thế giới phụ thuộc vào thiên nhiên, khiến mất đa dạng sinh học trở thành mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định tài chính.

Mặc dù 143 tỷ đô la Mỹ được đầu tư hàng năm vào bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng con số này vẫn chưa đạt tới con số ước tính 824 tỷ đô la Mỹ cần thiết mỗi năm.

Thông tin thêm về ngày Động vật hoang dã thế giới xem tại đây.

18/3: Ngày Tái chế toàn cầu (Global Recycling Day)

Ngày Tái chế toàn cầu được đề xuất lần đầu năm 2018 bởi Quỹ tái chế toàn cầu (Global Recycling Foundation), một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy tầm quan trọng của việc tái chế và hỗ trợ phát triển bền vững. Sau đó, ngày này được Tổ chức UNIDO  công nhận như một này chính thức trong lịch của Liên Hợp Quốc và được tổ chức trên toàn thế giới.

Ngày Tái chế Toàn cầu là sự kiện thường niên nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái chế và khuyến khích mọi người hành động để giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường. Ngày này quy tụ các cá nhân, tổ chức và chính phủ trên khắp thế giới để thúc đẩy các hoạt động bền vững và nêu bật những lợi ích của việc tái chế.

Thông tin thêm về Ngày Tái chế toàn cầu xem tại đây.

21/3: Ngày Quốc tế về Rừng (International Day of Forests)

Đại hội đồng LHQ công bố ngày 21/3 là Ngày Quốc tế về Rừng (IDF) vào năm 2012. Ngày này nhằm tôn vinh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tất cả các loại rừng. Vào mỗi Ngày Quốc tế về Rừng, các quốc gia được khuyến khích thực hiện các nỗ lực ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để tổ chức các hoạt động liên quan đến rừng và cây xanh, chẳng hạn như các chiến dịch trồng cây.

Chủ đề của Ngày Quốc tế về Rừng năm 2025 là “Rừng và Thực phẩm” (Forests and Foods). Chủ đề năm 2025 tôn vinh vai trò quan trọng của rừng trong an ninh lương thực, dinh dưỡng và sinh kế. Ngoài việc cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, thu nhập và việc làm, rừng còn hỗ trợ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ tài nguyên nước và cung cấp môi trường sống cho đa dạng sinh học, bao gồm cả các loài thụ phấn quan trọng. Chúng rất cần thiết cho sự sống còn của các cộng đồng phụ thuộc vào rừng, đặc biệt là Người dân bản địa và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách lưu trữ carbon.

Xem chi tiết về Ngày Quốc tế về Rừng tại đây.

22/3: Ngày Nước Thế giới (World Water Day)

Ngày Nước thế giới, được tổ chức vào 22/3 hàng năm kể từ năm 1993, là một sự kiện thường niên của LHQ, được điều phối bởi UN-Water, một cơ chế phối hợp liên cơ quan của Liên Hợp Quốc về nước và vệ sinh cơ chế phối hợp liên ngành của LHQ về nước và vệ sinh.

Ngày Nước Thế giới tôn vinh nước và truyền cảm hứng cho hành động giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Trọng tâm cốt lõi của Ngày Nước Thế giới là hỗ trợ đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2025 là “Bảo tồn sông băng” (Glacier Preservation). Các sông băng đóng vai trò quan trọng đối với sự sống – nước tan chảy của chúng rất cần thiết cho nước uống, nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất năng lượng sạch và hệ sinh thái lành mạnh. Các sông băng tan chảy nhanh chóng đang gây ra sự bất ổn cho dòng chảy của nước, tác động sâu sắc đến con người và hành tinh. Việc cắt giảm phát thải carbon trên toàn cầu và các chiến lược địa phương để thích ứng với tình trạng sông băng đang thu hẹp là điều cần thiết.

Vào năm 2023, các sông băng đã mất hơn 600 tỷ tấn nước, đây là lượng nước mất đi lớn nhất được ghi nhận trong 50 năm qua (WMO)

Khoảng 70% lượng nước ngọt của Trái Đất tồn tại dưới dạng tuyết hoặc băng (WMO)

Gần 2 tỷ người phụ thuộc vào nước từ các sông băng, tuyết tan và nước chảy từ núi để uống, sản xuất nông nghiệp và năng lượng (UN-Water/UNESCO).

Sự tan chảy của các sông băng góp phần đáng kể vào mực nước biển dâng cao trên toàn cầu, với mực nước biển hiện nay cao hơn khoảng 20 cm so với năm 1900 (IPCC).

Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C có thể cứu được các sông băng ở hai phần ba các di sản thế giới (UNESCO/IUCN).

Xem chi tiết về Ngày Nước Thế giới tại đây.

22/3: Chiến dịch Giờ Trái đất (Earth Hour)

Giờ Trái đất do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng và tổ chức hàng năm vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3. Sự kiện nhắm khuyến khích các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp dành một giờ cho Trái Đất, bằng việc tắt đèn điện không cần thiết trong một giờ từ 20g30 đến 21g30. Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu ở Sydney, Úc vào năm 2007.

Năm nay sự kiện Giờ Trái đất sẽ diễn ra lúc 20g30 đến 21g30 ngày thứ bảy, 22/3/2025.

Năm nay, WWF đã phát động chiến dịch “Dành một giờ cho Trái Đất 2025” (Give an hour for the Earth 2025) từ sớm và kêu gọi mọi người thực hiện “dành một giờ cho Trái đất” cho đến Tháng Trái đất 4/2025, với mục tiêu “125.000 giờ hành động tập thể vì hành tinh”.

Xem thông tin về chiến dịch Dành một giờ cho Trái Đất 2025 tại đây.

23/3: Ngày Khí tượng thế giới (World Meteorological Day)

Ngày 23/3 hằng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới kỷ niệm ngày Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có hiệu lực (23/3/1950).

Ngày này giới thiệu những đóng góp thiết yếu của các Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Quốc gia đối với sự an toàn và phúc lợi của xã hội và được tổ chức bằng các hoạt động trên toàn thế giới. Các chủ đề được chọn cho Ngày Khí tượng Thế giới phản ánh các vấn đề thời tiết, khí hậu hoặc nước mang tính thời sự.

Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2025 là “Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm”.

Thông tin về Ngày Khí tượng thế giới xem tại đây và về chủ đề năm 2025 tại đây.

30/3: Ngày Quốc tế không chất thải (International Day of Zero Waste)

Ngày 14/12/2022, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết công bố ngày 30/3 hàng năm là Ngày Quốc tế không chất thải. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) phối hợp tổ chức Ngày Quốc tế không chất thải.

Việc thúc đẩy các sáng kiến ​​không chất thải thông qua ngày quốc tế này có thể giúp thúc đẩy tất cả các mục tiêu và chỉ tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, bao gồm Mục tiêu phát triển bền vững số 11 và Mục tiêu phát triển bền vững số 12. Các mục tiêu này giải quyết mọi hình thức chất thải, bao gồm tổn thất và chất thải thực phẩm, khai thác tài nguyên thiên nhiên và chất thải điện tử.

Chủ đề Ngày Quốc tế không chất thải năm 2025 “Hướng tới không chất thải trong ngành thời trang và dệt may” nhấn mạnh nhu cầu hành động trong ngành thời trang và dệt may để giảm thiểu chất thải và thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn.

Nếu đóng vào các container tiêu chuẩn và xếp nối đuôi nhau, CTR đô thị phát sinh trong một năm sẽ vòng quanh Trái Đất 25 lần.

Việc sử dụng tài nguyên ngày càng tăng là động lực chính gây ra cuộc khủng hoảng tam bội hành tinh gồm biến đổi khí hậu, tổn thấy thiên nhiên và đa dạng sinh học, và ô nhiễm.

Nếu không có hành động khẩn cấp, CTR đô thị sẽ tăng vọt lên 3,8 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2050.

Mỗi năm, ngành dệt may thải ra 2–8 % lượng khí nhà kính toàn cầu và sử dụng 215 nghìn tỷ lít nước, tương đương với 86 triệu hồ bơi kích thước Olympic.

Tăng gấp đôi số lần mặc một loại quần áo sẽ giúp giảm 44 % lượng khí thải nhà kính.

Xem thông tin chi tiết về Ngày Quốc tế không chất thải tại đây.

PKL

Loading