Trong khi một lượng thực phẩm trị giá hơn một nghìn tỷ đô la Mỹ bị vứt bỏ mỗi năm, thì có tới 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Đồng thời, chất thải thực phẩm tạo ra khoảng 8-10% phát thải khí nhà kính toàn cầu và chiếm tương đương gần 30% diện tích đất nông nghiệp của thế giới. Đây chỉ là một số phát hiện được công bố trong Báo cáo về chất thải thực phẩm năm 2024 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
UNEP ước tính rằng năm 2022, thế giới đã tạo ra 1,05 tỷ tấn chất thải thực phẩm trong các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình. Phát sinh chất thải thực phẩm bình quân đầu người năm 2022 ước tính là 132 kg, trong đó 79 kg là từ hộ gia đình. Con số này tương đương khoảng 19% thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng bị thải bỏ ở các cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình. Phát sinh chất thải thực phẩm tại hộ gia đình gần như tương tự nhau giữa các nhóm nước có thu nhập khác nhau: 81 kg/người/năm ở các nước thu nhập cao, 88 kg/người/năm ở các nước thu nhập trung bình cao và 86 kg/người/năm ỏ các nước thu nhập trung bình thấp (không có đủ dữ liệu cho các nước có thu nhập thấp hơn).
Các nước có khối lượng chất thải thực phẩm phát sinh nhiều gồm Trung Quốc (ước tính khoảng 108,7 triệu tấn/năm), Ấn Độ (78,1 triệu tấn/năm), Hoa Kỳ (24,7 triệu tấn/năm)… Trong khi đó ở Châu Âu, các nước như Pháp và Đức chỉ tạo ra 3,9 và 6,5 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt khi quan tâm đến lượng chất thải thực phẩm phát sinh trên đầu người. Ví dụ, trung bình mỗi người ở Ấn Độ thải bỏ 55 kg thực phẩm mỗi năm trong khi ở Hoa Kỳ con số này là 73 kg. Theo báo cáo của UNEP, phát sinh chất thải thực phẩm trung bình của Việt Nam là 72 kg/người/năm, trong đó con số ở Huế là 88 kg/người/năm.
Có thể tải về báo cáo của UNEP tại đây.
Nguồn: https://www.statista.com/chart/24350/total-annual-household-waste-produced-in-selected-countries