1. Có bao nhiêu nhựa ở ngoài kia?
Rất nhiều. Ngày nay, nhựa là một phần quan trọng của thế giới hiện đại, được sử dụng trong mọi thứ từ phụ tùng ô tô đến dụng cụ, thiết bị y tế. Các nhà nghiên cứu ước tính từ những năm 1950 đến nay, nhân loại đã sản xuất ra 9,2 tỷ tấn vật liệu nhựa, trong đó khoảng 7 tỷ tấn đã trở thành chất thải.
2. Loại nhựa nào gây ra nhiều vấn đề nhất?
Một nguồn ô nhiễm nhựa chủ yếu là các sản phẩm nhựa dùng một lần, không được tuần hoàn trong nền kinh tế, làm quá tải hệ thống xử lý chất thải và đi vào môi trường. Một số sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến nhất như chai nước, hộp nhựa, túi đựng đồ ăn, dao nĩa dùng một lần, túi để trữ lạnh và xốp đóng gói.
3. Bạn tìm thấy ô nhiễm nhựa ở đâu?
Câu trả lời ngắn gọn: gần như ở khắp mọi nơi. Nó ở trong hồ, sông và đại dương. Nó rải rác trên đường phố thành phố và cánh đồng của nông dân . Nó tràn ra từ các bãi rác. Nó tích tụ trong sa mạc và len lỏi vào băng biển . Các nhà nghiên cứu thậm chí còn tìm thấy mẫu vụn nhựa trên đỉnh Everest và ở Rãnh Mariana , điểm sâu nhất trên Trái Đất.
4. Tại sao ô nhiễm nhựa lại là vấn đề lớn như vậy?
Có ba lý do chính.
Đầu tiên, ô nhiễm nhựa có thể tàn phá hệ sinh thái. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng các hạt nhựa nhỏ có thể làm chậm sự phát triển của vi tảo biển (thực vật phù du) – nền tảng của một số lưới thức ăn dưới nước. Bên cạnh đó, cá thường ăn nhầm các sản phẩm nhựa, lấp đầy dạ dày của chúng bằng những mảnh vỡ không tiêu hóa được khiến chúng chết đói.
Thứ hai, nhựa thường phân hủy thành các mảnh rất nhỏ – được gọi là vi nhựa (microplastics) và siêu vi nhựa (nanoplastics) – có thể tích tụ trong cơ thể con người. Vi nhựa đã được tìm thấy trong gan, tinh hoàn – thậm chí trong cả sữa mẹ . Một nghiên cứu phát hiện ra rằng trung bình một lít nước đóng chai chứa khoảng 240.000 hạt vi nhựa.
Thứ ba, nhựa trong suốt vòng đời của nó cũng góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Sản xuất nhựa – một quá trình tiêu thụ nhiều năng lượng – ước tính chịu trách nhiệm cho hơn 3 % lượng khí thải nhà kính làm nóng hành tinh vào năm 2020.
5. Vi nhựa gây ra tác hại gì cho con người?
Chúng ta vẫn chưa biết. Nhưng các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu vì lượng vi nhựa mà chúng ta đang ăn vào đang ở mức báo động.
- 6. Một mình tái chế có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa không?
Không. Theo một nghiên cứu của OECD, chỉ có khoảng 9% nhựa thực sự được tái chế. Có một số lý do cho điều đó. Nhiều sản phẩm nhựa không được thiết kế để tái sử dụng và tái chế. Một số quá mỏng để tái chế, trong khi một số khác chỉ có thể tái chế một hoặc hai lần. Nhiều quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng để thu gom và tái chế rác nhựa. Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất: hệ thống tái chế không theo kịp với sự bùng nổ của rác nhựa. Sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2019.
- 7. Vậy, thế giới có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa như thế nào?
Chúng ta cần phải nghĩ lớn. Đó là phải nhìn xa hơn việc tái chế và tìm cách hạn chế các vấn đề về môi trường và sức khỏe do ô nhiễm nhựa gây ra. Điều này có nghĩa là xem xét mọi giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm, từ khâu sản xuất, thiết kế và tiêu thụ đến khâu thải bỏ. Đây được gọi là phương pháp tiếp cận vòng đời. Ở góc độ thực tế, điều đó có nghĩa là giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào các sản phẩm nhựa dùng một lần. Phải thiết kế lại các sản phẩm nhựa để chúng tồn tại lâu hơn, ít nguy hiểm hơn và có thể tái sử dụng và cuối cùng là tái chế. Phải tìm ra các giải pháp thay thế cho nhựa trong nhiều sản phẩm. Và phải ngăn chặn không để nhựa đi vào môi trường.
8. Nghe có vẻ tốn kém và khó khăn. Có đúng vậy không?
Không hẳn. Các chính phủ, tập đoàn, nhóm phi lợi nhuận và mọi người trên khắp thế giới đã và đang triển khai các giải pháp sáng tạo để chấm dứt ô nhiễm nhựa. Và nghiên cứu cho thấy phương pháp tiếp cận vòng đời có thể giúp thế giới tiết kiệm 4,5 nghìn tỷ USD về chi phí xã hội và môi trường cho đến năm 2040.
9. Thế giới đang làm gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa?
Nhiều quốc gia đang giải quyết vấn đề ô nhiễm ở cấp quốc gia bằng các luật được thiết kế để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và buộc các nhà sản xuất nhựa phải chịu trách nhiệm lâu dài đối với các sản phẩm của họ. Tuy nhiên, vì ô nhiễm nhựa là vấn đề xuyên biên giới nên hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Đó là lý do tại sao các quốc gia hiện đang đàm phán một hiệp ước toàn cầu để chấm dứt ô nhiễm nhựa. Ủy ban đàm phán liên chính phủ – có nhiệm vụ xây dựng thỏa thuận – sẽ họp phần thứ hai của kỳ họp thứ năm từ ngày 5 đến ngày 14 tháng 8 năm 2025 tại Geneva, Thụy Sĩ. Các chuyên gia cho biết các cuộc đàm phán là sự thừa nhận của các nhà lãnh đạo thế giới về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa và nhu cầu về một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý để giải quyết vấn đề này.
10. Tại sao việc giải quyết ô nhiễm nhựa lại cấp bách đến vậy?
Nếu không có hành động quyết liệt, vấn đề ô nhiễm nhựa sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Tổ chức OECD dự báo rằng đến năm 2060, rác nhựa sẽ tăng gần gấp ba lần, lên một tỷ tấn mỗi năm. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm nhựa, với gần một nửa lượng rác nhựa mới phát sinh được chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường.
Nguồn: https://www.unep.org/news-and-stories/story/answering-10-pressing-questions-about-plastic-pollution
PKL