Ngày 8/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Hành trình xanh cho phát triển kinh tế: Tương lai hành lang kinh tế Đông – Tây”. Hội thảo đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới, đảm bảo định hướng trong việc nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, … Continued
Ngày 8/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Hành trình xanh cho phát triển kinh tế: Tương lai hành lang kinh tế Đông – Tây”.
Hội thảo đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới, đảm bảo định hướng trong việc nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tích cực thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới để giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cán bộ Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và các nhà khoa học của Đại học Huế đã trình bày và thảo luận tại chuyên đề 2 về “Nghiên cứu và chuẩn bị nguồn lực hướng tới tương lai xanh” với các chủ đề như: Hoạt động nghiên cứu và đào tạo về biến đổi khí hậu ở Đại học Huế: Hiện trạng và định hướng tương lai; Ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo: Tiềm năng và thách thức.
Phiên thảo luận Chuyên đề 2 đã đưa ra một số kiến nghị trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực gồm:
i. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, logistics, biến đổi khí hậu.
ii. Đẩy mạnh ký kết hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu với các địa phương và doanh nghiệp khu vực Hành lang Kinh tế Đông Tây.
iii. Xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu.
iv. Xây dựng các ngành đào tạo chất lượng cao về lĩnh vực năng lượng tái tạo, logistics, biến đổi khí hậu.
v. Tăng cường hợp tác với các trường Đại học, Viện nghiên cứu uy tín trên thế giới để triển khai các họp tác nghiên cứu và đào tạo.
vi. Huy động nguồn vốn đầu tư ODA, tài trợ của các Chính phủ, các Tập đoàn lớn hỗ trợ công tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực vùng Hành lang Kinh tế Đông Tây.
Kết luận tại hội thảo, ông Chris Valoon, đại diện AmCham Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 10 nước ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng giải quyết những vấn đề phức tạp của biến đổi khí hậu. Đó là hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các sáng kiến xanh tiên tiến. Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tỉnh thành trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các ngành chủ chốt để mang lại công nghệ xanh và giúp đỡ họ trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Những nội dung thiết thực được trao đổi trong hội thảo sẽ góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khu vực Đông Á, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong thời gian tới.