TẬN TÂM TRONG GIẢNG DẠY, NHIỆT HUYẾT TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
18.11.2021 13:15
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Website của Khoa xin trích đăng một bài viết về PGS.TS.NGƯT. Lê Văn Thăng trong ấn phẩm "Nhà khoa học Việt Nam - Những mảnh ghép thầm lặng" do Viện Khoa học Phát triển Nhân tài và Trí tuệ Việt biên soạn, Nhà xuất bản Dân trí phát hành.
“Để thành công, chúng ta phải cố gắng… Nếu một lần không được thì lần sau càng phải cố. Chúng ta phải tin vào những gì mình làm và không được đầu hàng. Chúng ta phải luôn kiên nhẫn và tiến về phía trước. Thách thức và khó khăn cho chúng ta cơ hội để trở nên cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn”, đó là những gì tôi nhận ra và học hỏi được từ ông – một nhà giáo giàu lòng nhiệt huyết, một nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám “cháy” với những khát khao, đam mê của mình. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết này chính là PGS.TS.NGƯT. Lê Văn Thăng – Giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Những
bước chân không mỏi
Ai đã từng đặt chân đến Huế, chắc hẳn sẽ phải sững lại trước sự trầm lắng,
dịu dàng và bình yên của mảnh đất này. Sức hút của thành phố Sông Hương không nằm
ở sự sôi động, náo nhiệt mà gây thiện cảm bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả, không ồn
ào mà sâu lắng đi vào lòng người. Và chính mảnh đất thân thương này là nơi nuôi
dưỡng biết bao người con hiền tài cho đất nước, trong đó có PGS.TS.NGƯT. Lê
Văn Thăng.
PGS.TS.NGƯT. Lê Văn Thăng sinh ngày
30 tháng 8 năm 1958 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra và lớn lên
trong thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn bởi cuộc sống thời chiến, bởi những
gánh nặng kinh tế, thế nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã sớm
có suy nghĩ chín chắn về cuộc sống và tình yêu quê hương đất nước. Sau khi học
xong trung học phổ thông, mang theo ước mơ và hoài bão, ông đăng ký thi và đỗ
vào ngành Địa lý Tự nhiên, trường Đại học Tổng hợp Huế.
PGS. TS. Lê Văn Thăng với vị Tư lệnh năm xưa
Sau bốn năm học tập miệt mài, đến năm 1981,
ông tốt nghiệp đại học. Nhận thấy ông là người có năng lực, Ban Giám hiệu Trường Đại
học Tổng hợp Huế đã quyết định giữ ông lại làm giảng viên. Những ngày đầu mới
nhận công tác, người thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn khi cơ sở vật chất thiếu
thốn, tư liệu, giáo trình không nhiều. Để khắc hạn chế đó, ông đã tự lập ra đề
cương, thu thập tài liệu biên soạn thành bài giảng hoàn chỉnh. Chính bằng tình
yêu nghề, những bài giảng của thầy Thăng ngày càng trở nên sinh động, cuốn hút
sự đam mê học tập, khám phá của các thế hệ học trò.Khi bắt đầu dần quen với vị trí người
lái đò thầm lặng thì một bất ngờ đến với thầy, thầy nhận quyết định trở thành
Quân nhân phục vụ ở Sư đoàn 312, Quân
đoàn I anh hùng. Tạm gác lại sự nghiệp dang dở cùng phấn trắng, bảng đen và các
em học trò thân thương, năm 1983 thầy đến với môi trường mới. Thời gian rèn luyện
trong quân đội đã giúp thầy tôi luyện ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh, kiên cường đồng
thời giúp thầy có thêm tính nhẫn nại. Tất cả những đức tính đó đã vẽ nên chân
dung một người thầy yêu nghề, tận tâm với học trò sau này. Kỷ niệm đáng nhớ hay
có thể nói dấu ấn xuyên suốt cuộc đời binh nghiệp của thầy là tham gia chiến đấu
tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) vào tháng 7 năm
1984.
Năm 1991, sau một thời gian gắn bó với công việc giảng dạy, với mong muốn
nâng cao trình độ chuyên môn, ông quyết định ra Hà Nội theo học Nghiên cứu sinh
tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
nay là Trường Đại học
Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 1996, ông bảo vệ thành công luận
án Tiến sĩ với đề tài “Đánh giá, phân hạng
điều kiện sinh thái tự nhiên lãnh thổ trung du Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cho
nhóm cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày”.
Là người nhiệt thành
trong công việc, luôn nặng lòng với “những chuyến đò”, nên khi hoàn thành xong luận án Tiến sĩ, ông đã
quay trở lại Trường Đại học Tổng
hợp Huế tiếp tục công tác giảng dạy. Nhận thấy ông có năng lực, ban lãnh đạo đã
tin tưởng giao ông đảm nhiệm vị trí Trưởng Bộ môn Địa lý, Khoa Địa lý – Địa chất.
Bằng sự tận tâm của mình, ông luôn tâm niệm: “Thầy giỏi mới có trò giỏi”; “Thầy
tốt mới dạy trò ngoan” vì vậy với cương vị của mình, ông thường
xuyên cùng ban lãnh đạo, đồng nghiệp tổ chức và triển khai có hiệu quả các cuộc
vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho cán bộ, giáo
viên và sinh viên trong trường.
PGS. TS. Lê Văn Thăng đang hướng dẫn Học viên cao học Lào thực địa
Có tài, có tâm bởi vậy đến năm 1999, ông còn được mọi người tin tưởng đề
đạt kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ
sinh học, Đại học Huế và năm 2000, nhận nhiệm vụ Trưởng Khoa Môi trường. Từ năm
2007 – 2013, ông giữ vai trò Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Công
nghệ sinh học. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên
ngành khoa học Trái đất – Mỏ nhiệm kỳ 2009 – 2014, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt
Nam, Phó Chủ tịch Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ
Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Địa lý và Tài nguyên Môi trường
tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc nhưng chưa một ai thấy
ông phàn nàn về những vất vả của bản thân mà luôn thấy người thầy giáo đáng kính ấy nỗ lực, phấn đấu vươn
lên, là tấm gương sáng cho các cán bộ, đồng nghiệp noi theo.
PGS.TS. Lê Văn Thăng tại văn phòng làm việc
Trái
ngọt từ niềm say mê
Gần 40 năm gắn bó với công việc giảng
dạy, đối với PGS.TS. Lê Văn Thăng niềm hạnh phúc của ông là được đem hết những
kiến thức mình trau dồi, tích lũy được truyền dạy lại cho các thế hệ học trò.
Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của ông, đã có 70 học viên cao học bảo vệ
thành công luận văn Thạc sĩ và 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến
sĩ. Không chỉ dừng lại tại đó, ông còn là chủ biên, đồng chủ biên và tác giả của nhiều
đầu sách tham khảo, chuyên khảo hay và ý nghĩa, tiêu biểu có thể kể đến như: “Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên”(1999 – 2005), NXB Khoa học Xã hội; “Du lịch
và Môi trường”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; “Khoa học môi trường đại cương” (2008), NXB Đại học Huế; “Bản tóm tắt chính sách: Thích ứng với Biến
đổi khí hậu và các chính sách liên kết ở Tỉnh Thừa Thiên Huế” (2011), NXB Đại
học Huế; “Mô hình thích ứng với Biến đổi
khí hậu cấp cồng đồng tại vùng trũng thấp ở Tỉnh Thừa Thiên Huế” (2011),
NXB Nông nghiệp; “Hướng dẫn xây dựng mô
hình thích ứng với biến đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam” (2015), NXB Đại
học Huế; “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi
ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi
khí hậu”. NXB. Tài nguyên-Môi trường và Bản đồ
Việt Nam (2015); “Giữ gìn và tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên Đồi Cát Bay Mũi Né” (2019), NXB
Đại học Huế; “Môi trường và Phát triển
trong bối cảnh biến đổi khí hậu” (2019), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; “Chiến lược và chính sách môi trường” (2020), NXB Đại học Huế…
PGS. TS. Lê Văn Thăng tham gia Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Không chỉ là một nhà giáo tận tâm, PGS.TS.
Lê Văn Thăng còn là một nhà khoa học nhiệt huyết. Ông luôn quan niệm nghiên cứu
khoa học là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ giúp nâng cao hiểu biết của bản
thân mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước. Các đề tài
nghiên cứu khoa học của ông luôn có tính sáng tạo và bám sát tình hình thực tiễn,
tiêu biểu có thể kể đến như: “Đánh giá tổng
hợp điều kiện sinh thái lãnh thổ trung du Quảng Trị và Thừa Thiên Huế làm cơ sở
cho định hướng quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp”, Đề tài cấp Bộ (1996
– 2000); “Điều tra nghiên cứu các mô hình
sinh thái sử dụng hợp lý lãnh thổ trung du Bình Trị Thiên”, Đề tài trọng điểm
cấp Nhà nước (1985 – 1990); “Nghiên cứu dự
báo, phòng chống sạt lở bờ sông hệ thống sông miền Trung”, Dự án độc lập cấp
Nhà nước (1999 – 2000); “Xây dựng mạng lưới
truyền thông về bảo vệ môi trường tại Đại học Huế”, Nhiệm vụ Nhà nước về
BVMT (2001 – 2002); “Nghiên cứu cơ sở
khoa học và thực tiển nhằm đề xuất các chính sách, giải pháp bảo vệ môi trường
và phát triển bền vững kinh tế trang trại tại Việt Nam”, Đề tài trọng điểm
cấp Nhà nước (2004 – 2005); “Quan trắc và
phân tích chất lượng môi trường nước sông Hương, thành phố Huế”, Nhiệm vụ
quan trắc môi trường Quốc gia (2003-2016); “Quan
trắc chất lượng môi trường không khí tại các khu đô thị, khu công nghiệp tỉnh
Quảng Trị”, Đề tài cấp Tỉnh (2007 – 2008); “Thích ứng với Biến đổi khí hậu cấp cộng đồng và các chính sách liên
quan ở tỉnh Thừa Thiên Huế”, Hợp tác quốc tế với ĐSQ Phần Lan (2009 –
2011); “Nâng cao nhận thức cộng đồng
trong việc bảo vệ nguồn nước và đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng nước
sông Kim Đôi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Hợp tác quốc tế với tổ
chức Unilever (2010); “Nghiên cứu ảnh hưởng
của đô thị hóa và biến đổi khí hậu đến đất trồng lúa ở một số tỉnh miền Trung”,
Đề tài cấp Bộ (2011 – 2012); “Luận cứ
khoa học cho việc lựa chọn và hoàn thiện các mô hình thích ứng với biến đổi khí
hậu dựa vào cộng đồng ở miền Trung và đề xuất nhân rộng”, Đề tài trọng điểm
cấp Quốc gia (2013 – 2015); “Nghiên cứu đề
xuất các giải pháp nhằm giữ gìn, tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên của đối Cát Bay Mũi Né
góp phần phát triển du lịch Bình Thuận”, Đề tài cấp Tỉnh (2016 – 2018)…
PGS. TS. Lê Văn Thăng thực địa với GS Nhật Bản
Bên cạnh các công trình nghiên cứu
khoa học, PGS.TS. Lê Văn Thăng còn tích cực công bố nhiều bài báo khoa học đăng
trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, trong đó có thể kể đến
như: “Nghiên cứu các mô hình sinh thái sử
dụng hợp lý lãnh thổ trung du Bình Trị Thiên” (1991), Thông tin Khoa học, số
7, Trường ĐH Tổng hợp Huế, Trang 174-177;
“Các mô hình sinh thái ở trung du Thừa Thiên Huế” (1994),Thông tin Khoa học,
Trường ĐH Tổng hợp Huế, Số 9, Trang 234-238;
“Some sketches on karst ecological landscape in Quang Tri for tourism”,
International Symposium on “Applied Tropical Karst” (1994); “Cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch cây
công nghiệp dài ngày, góp phần bảo vệ môi sinh ở trung du Quảng Trị và Thừa
Thiên Huế” (1996), Hội thảo “Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ
môi trường vùng Bình Trị Thiên”, NXB Nông nghiệp, Trang 113-117; “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu lên
tỉnh Thừa Thiên Huế” (2004), TC Khoa học, ĐH Huế, Số 25, Trang 75-83; “The water environmental quality happening
of the Huong river in the Hue city, period of 2003-2006”. Annual Report of
FY 2007. The Core University Program between Japan Society for the Promotion of
Science (JSPS) and Vietnamese Academy of Science and Technology (VAST). Japan.
Page 192-199; “Climate change and poverty
in lagoon and coastal area of Thua Thien Hue province”. Third scientific
conference in EIA and SEA. Impact of climate change. Proceedings. Hue,
26/8/2011. Page 104-112; “Đánh giá hiện
trạng và đề xuất một số giải pháp khai thác, bảo vệ tài nguyên nước mặt vùng đồng
bằng ven biển tỉnh Quảng Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Tạp chí Đại
học Huế, Chuyên san khoa học Tự nhiên, tập 81, số 3, năm 2013; “Thành phần loài và phân bố cây ngập mặn
vùng ven biển tỉnh Nghệ An”, Kỷ yếu: Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần
thứ XI năm 2019. Mã số ISBN: 978-604-9822-65-0.
PGS. TS. Lê Văn Thăng tham gia giảng dạy tại Lào
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của
PGS.TS.NGƯT. Lê Văn Thăng cho
sự phát triển của nền khoa học và giáo dục nước nhà, ông vinh dự được Đảng, Nhà
nước, các bộ, ban, ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Giải khuyến
khích Sáng tạo khoa học – công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005; Tuyên dương
điển hình tiên tiến bảo vệ môi trường giai đoạn 2005 – 2010; Giải B – Giải thưởng
Cố đô về Khoa học và công nghệ; Bằng lao động sáng tạo; Danh hiệu Nhà giáo Ưu
tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm
2016, …
Một chặng đường dài đã trôi qua,
nhìn lại tất cả nhưng gì PGS.TS.NGƯT. Lê
Văn Thăng đã và đang tiếp tục thực hiện, có thể thấy được trong con người ông
ngọn lửa đam mê luôn rực cháy. Cuộc đời người thầy giáo ấy đã đưa biết bao người
qua dòng sông tri thức. Dòng sông vẫn cứ êm trôi… tóc thầy bạc đi, mắt thầy
nheo lại nhưng vẫn luôn vững tay chèo và hết lòng vì các thế hệ học trò.
Trích bài viết "Tận tâm trong giảng dạy, nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học" về PGS.TS.NGƯT. Lê Văn Thăng trong tuyển tập "Nhà khoa học Việt Nam - Những mảnh ghép thầm lặng" - Quyển I, do Viện Khoa học Phát triển Nhân tài và Trí tuệ Việt biên soạn, Nhà xuất bản Dân trí phát hành quý IV năm 2021.
|