CHIA SẺ CỦA ANH NGUYỄN ĐĂNG HUY – GIÁM ĐỐC CÔNG TY MÔI TRƯỜNG PHÚ XUÂN
Cựu sinh viên ngành Khoa học môi trường
Khóa K29
Hiện đang là giám đốc Công ty Môi trường Phú Xuân
Ra trường ngót nghét đã gần hai thập kỷ, thế nhưng những kỷ niệm về thời thanh xuân trên giảng đường Đại học Khoa học vẫn còn nguyên trong tâm trí anh Huy, anh cũng đã có những chia sẻ chân thành về hành trình lập nghiệp, cũng như cảm nhận của bản thân về giới trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên đang trên hành trình khởi nghiệp.
Những năm qua vì dịch bệnh Covid hoành hành, nên công việc của công ty Phú Xuân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, anh tâm sự: “công ty anh làm dịch vụ thu gom rác thải cho các công ty sản xuất, nên các công ty sản xuất ảnh hưởng, không có đơn hàng thì việc rác thải, thải ra cũng ít và ảnh hưởng không ít đến doanh thu công ty Phú Xuân”.
Khi nhắc đến trường Đại học Khoa học, đặc biệt là khoa Môi trường, anh đã dành rất nhiều tình cảm để tri ân các thầy, cô trong khoa. “Đội ngũ giảng viên không chỉ nhiệt tình mà còn luôn chỉ dạy cho sinh viên những cách thức, kỹ năng mềm để áp dụng vào đời sống, nhất là trong công việc khi ra trường”.
Bản thân anh thấy thật may mắn vì sau khi tốt nghiệp được làm đúng ngành nghề mà mình đã được đào tạo. Sau hơn 10 năm xây dựng, công ty của anh cũng đã có được những thành tựu đáng kể, được nhiều đối tác, khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ của Phú Xuân.
Học ở Huế nhưng chọn Bình Dương là nơi lập nghiệp, anh cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn như: khoảng cách vị trí địa lý, giọng nói, con người… Nhưng với anh nếu có nỗ lực, tinh thần cầu tiến thì mọi chuyện đều sẽ là chuyện nhỏ.
Khi nói về thế hệ trẻ hiện tại, anh đã có những chia sẻ hết sức chân thành: “Các bạn trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo, các bạn cũng có nhiều cơ hội để phát triển mình hơn với đa lĩnh vực ngành nghề. Ngoài kiến thức chuyên ngành các bạn nên trau dồi thêm ngoại ngữ, kỹ năng tin học và các kỹ năng mềm. Đó là những yếu tố tiên quyết giúp bạn thăng tiến trong con đường sự nghiệp sau này. Bản thân các bạn sinh viên trường Đại học Khoa học nên cố gắng hơn nữa trong việc giao tiếp và dung hòa với nơi mình sống, làm việc. Mình còn trẻ, hãy học hỏi thật nhiều từ những người xung quanh, những thế hệ đi trước… Chúc các bạn luôn thành công, giữ vững lòng đam mê với nghề như những ngày đầu”.
TS. TRẦN VĂN VINH – CHIA SẺ CƠ HỘI HỌC TẬP TẠI XỨ SỞ KIM CHI
Bạn Trần Văn Vinh
Cựu sinh viên ngành Khoa học Môi trường
Khóa K30
Theo dõi những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Văn Vinh – cựu sinh viên K30 ngành Khoa học môi trường hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Alan G. MacDiarmid, Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc.
Các em học viên, sinh viên muốn nắm thông tin và cơ hội du học tại Hàn Quốc thì liên hệ với Khoa Môi trường hoặc trực tiếp với anh Trần Văn Vinh.
NGHIÊN CỨU SINH TRẦN NGỌC QUANG CHIA SẺ VỀ MÔI TRƯỜNG HỌC TIẾN SĨ HẤP DẪN TẠI NƯỚC MỸ
Bạn Trần Ngọc Quang
Cựu sinh viên ngành Khoa học Môi trường
Khóa K38
Hiện đang học Tiến sĩ ngành Environmental Engineering (Kỹ thuật về môi trường), trường Oregon State University, Mỹ.
Du học là niềm ao ước của rất nhiều bạn học sinh, sinh viên. Và nước Mỹ là một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới với rất nhiều trường đại học nổi tiếng, trong đó có trường Oregon State University mà Quang đang theo học. Bạn cũng đã có những chia sẻ về cuộc sống ở xứ người, môi trường học tập và hơn hết là những kỷ niệm ở trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
May mắn khi được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học, Quang đã dành rất nhiều thời gian ngắm nghía các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại khoa Hóa, trường Đại học Khoa học sau những giờ tan trường. Những dụng cụ, hệ thống thí nghiệm luôn khơi gợi trí tò mò của Quang về một điều gì đó đầy ma thuật, giống những nhà giả kim trong các cuốn tiểu thuyết viễn tưởng bạn vẫn thường đọc.
Khi được hỏi về cảm nhận của bản thân về các cô, thầy trong khoa Môi trường Quang đã có những trải lòng: “Trong suốt 4 năm học tại trường, các thầy, cô trong khoa luôn giúp đỡ và tạo điều kiện để mình có thể phát huy tốt nhất những thế mạnh của bản thân. Thầy Lê Văn Tuấn là giáo viên cố vấn cho đề tài khóa luận và cũng là người truyền cảm hứng cho con đường nghiên cứu hiện tại của mình, có lẽ là người để lại ấn tượng nhiều nhất. Cho đến tận bây giờ mình vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của thầy “Trong phòng thí nghiệm, càng chậm thì càng nhanh”. Sau vô số lần phải nếm hậu quả của việc hấp tấp, đây là lời dạy giá trị nhất. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ của các thầy Phạm Khắc Liệu, thầy Đường Văn Hiếu, và anh Tề Minh Sơn là một phần không thể thiếu trong những thành tựu mình đạt được trong thời gian theo học tại trường”.
Những năm qua vì đại dịch Covid-19 mà quá trình học tập của Quang tại nước bạn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Quang cũng có một vài cảm nhận về sinh viên nước mình và các bạn sinh viên bản địa Mỹ: “Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa sinh viên hai nước là thái độ học tập. Đến từ một đất nước kém phát triển hơn, nhưng các bạn trẻ nước mình luôn cầu tiến, không ngại khó khăn gian khổ để vươn lên. Bên cạnh đó, nhờ sự đào tạo nghiêm khắc về các kiến thức cơ bản đã mang lại nền tảng vượt trội cho sinh viên Việt Nam với sinh viên tại Mỹ. Điểm thiếu sót lớn nhất của sinh viên nước mình là khả năng tự học và tính sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình dài theo học tại môi trường bên ngoài dần dần sẽ giúp mình mở rộng góc nhìn của bản thân và khắc phục những vấn đề đó”.
Và Quang cũng không quên chia sẻ những kinh nghiệm của bạn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn đang theo học hoặc có đam mê với ngành Khoa học Môi trường:
“Trước hết là tinh thần nghiên cứu và làm việc độc lập, không dựa theo sự hướng dẫn chi tiết của thầy cô. Song song với đó là học hỏi từ những người đi trước.
Thứ hai là khả năng tư duy, đánh giá vấn đề một cách logic, khả năng hình thành và hoàn thiện một tranh luận.
Và cuối cùng là tự tin (hoặc dũng cảm). Trong quá trình nghiên cứu, dù các nghiên cứu được phát triển trên một cơ sở khoa học nhất định, kết quả hầu như luôn có khả năng không giống như mình mong muốn.
Chúc các bạn thành công và luôn giữ nhiệt yêu nghề như những ngày đầu”.